• Hoạt động xét nghiệm bệnh Thủy sản ở Trạm xá Thú y

      13/03/2013

        Nuôi trồng thủy sản trong đó nghề nuôi tôm đem lại lợi nhuận lớn trong phát triển kinh tế hộ gia đình (nói riêng) và xã hội (nói chung).

        Để đảm bảo nuôi tôm hiệu quả và bền vững, một trong những yếu tố có tính chất quyết định là con giống. Những năm gần đây, công tác quản lý chất lượng giống tôm được các cấp các địa phương quan tâm và có những đầu tư thích đáng.

        Trạm xá Thú y - Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế sau 4 năm tiếp nhận và triển khai hoạt động xét nghiệm bệnh tôm đã có những đóng góp đáng kể trong việc xác định chất lượng giống tôm trước khi đưa vào vùng nuôi và trong quá trình sản xuất, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi.

        Trong hai năm 2011, 2012 phòng xét nghiệm bệnh tôm ở Trạm xá thú y đã có sự đầu tư thỏa đáng về nhân sự cũng như hệ thống máy móc, trang thiết bị; việc xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm cũng như khâu chuẩn bị vật tư phục vụ cho hoạt động xét nghiệm bệnh tôm ngày một hoàn thiện, chu đáo hơn.

        Cơ chế hoạt động rõ ràng, có sự phân công cụ thể trong tập thể cán bộ Trạm xá Thú y và giao đồng chí Nguyễn Sanh Minh - Phó trưởng Trạm xá Thú y chịu trách nhiệm điều hành.

        Kết quả hoạt động:

        Năm 2011, 100% cán bộ làm công tác xét nghiệm thủy sản được đào tạo chuyên sâu ở Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nội dung đào tạo   về kỹ thuật sử dụng thiết bị và phương pháp xét nghiệm bệnh động vật thủy sản (tập trung vào đối tượng tôm nuôi):     

        * Phương pháp PCR phát hiện DNA Virus: WSSV, IHHNV.

        * Phương pháp RT-PCR phát hiện  RNA Virus: YHV/GAV, TSV, IMNV

        * Tiếp cận ứng dụng phương  pháp đánh giá tại hiện trường 

        Lực lượng cán bộ ở các Trạm Thú y huyện, Thị xã và một số thú y cơ sở ở những địa bàn nuôi tôm trọng điểm cũng được đào tạo, tập huấn cơ bản giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng về phương pháp thu mẫu xét nghiệm bệnh trước kiểm dịch và giám sát dịch bệnh trong quá trình nuôi; Nắm được những nguyên tắc cơ bản trong công tác kiểm dịch, xét nghiệm bệnh thủy sản, điều tra ổ dịch... Ngoài ra, học viên cũng được giới thiệu một số trang thiết bị của hệ thống máy PCR, một số nguyên tắc cơ bản trong quá trình vận hành.

        Năm 2012, với quyết tâm của Chi cục thú y là làm thế nào để nâng cao hiệu quả của công tác xét nghiệm bệnh tôm, được sự đầu tư của Tỉnh, Chi cục Thú y đã lắp đặt mới hệ thống trang thiết bị máy PCR phục vụ cho hoạt động xét nghiệm bệnh tôm. Giao trách nhiệm cho Phòng dịch tễ phối hợp với Trạm xá thú y trong công tác kiểm tra, giám sát vùng nuôi, thu mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý khi trả kết quả xét nghiệm cho chủ cơ sở.

        Với những nỗ lực của cán bộ trạm xá Thú y, hoạt động xét nghiệm bệnh thủy sản năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước, giúp giảm thiểu mức thấp nhất khả năng lây lây lan mầm bệnh.

        Trên cơ sở dịch bệnh tôm những năm 2010 - 2011, năm 2012 Trạm xá thú y đã có kế hoạch chi tiết thông báo đến các xã nuôi tôm trọng điểm hoạt động xét nghiệm bệnh tôm năm 2012 với mục tiêu thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch, xét nghiệm giống thủy sản trước khi đưa vào vùng nuôi, nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa diện tích nuôi thủy sản bị dịch bệnh và giúp quản lý tốt hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản thương phấm.

        Chi cục thú y xét nghiệm miễn phí tất cả các mẫu tôm giống trước khi đưa vào nuôi thương phẩm và tôm nuôi có dấu hiệu không bình thường trong quá trình sản xuất. Hoạt động này có ý nghĩa rất lớn cho các đơn vị quản lý trong việc đánh giá chất lượng tôm giống và yếu tố mầm bệnh trong các vùng nuôi đồng thời giảm thiệt hại về kinh tế cho các hộ nuôi tôm ở khâu đầu vào là con giống, hộ nuôi có cơ hội lựa chọn giống không nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm.

    Bảng tổng hợp kết quả xét nghiệm bệnh tôm năm 2011 - 2012

    Năm

    Chỉ tiêu xét nghiệm

    Đốm trắng

    (WSSV)

    Bệnh còi

    (MBV)

    Taura

    (TSV)

    Đầu vàng

    (YHV)

    IHHNV

    2011

    Số lượng

    (Mẫu)

    505

    475

    30

    20

    15

    Số mẫu dương tính

    28

    225

    0

    0

    2

    Tỷ lệ (%)

    5,54

    47,37

    0,00

    0,00

    13,33

    2012

    Số lượng (Mẫu)

    550

    480

    92

    105

    25

    Số mẫu dương tính

    34

    253

    0

    3

    4

    Tỷ lệ (%)

    6,18

    52,71

    0,00

    2,86

    16,00


        Qua số liệu tổng hợp năm 2011 và 2012 cho thấy:

        - Tỷ lệ tôm giống nhiễm virus đốm trắng từ con giống không cao chỉ từ 5,54 - 6,18% ;

        - Số lượng mẫu xét ngiệm bệnh Taura năm 2012 tăng gấp 3 lần so với 2011, tuy nhiên không có dấu hiệu hội chứng Taura trên các mẫu tôm xét nghiệm. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho người nuôi tôm

        - Tương tự, virus đầu vàng chỉ có 2,86% trong tổng số 105 mẫu xét nghiệm.

        - Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và lập biểu mô ở các mẫu xét nghiệm chiếm 13,33 - 16,00% tập trung chủ yếu ở tôm chân trắng

        - Đối với virus bệnh còi không riêng ở Thừa Thiên Huế mà trong nghiên cứu cũng như trong thực tế tỷ lệ tôm giống nhiễm MBV trong khoảng 40 - 60% mẫu xét nghiệm. Bệnh tuy không gây chết hàng loạt nhưng tỷ lệ chết tích lũy khá cao và nuôi kém hiệu quả.

        Điều đáng mừng là nhận thức của người dân về việc xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi và trong quá trình nuôi để phòng dịch bệnh ngày càng được nâng cao, người nuôi tôm ý thức được rằng để nuôi tôm có hiệu quả phải lấy phòng bệnh là chính và khâu đầu tiên để phòng bệnh là phải kiểm dịch, xét nghiệm giống trước khi thả nuôi.

        Chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm năm 2013, Trạm xá Thú y đã rà soát lại những nội dung công việc và kế hoạch hoạt động nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người nuôi tôm. Với tiêu chí đặt ra như vậy, trước mắt tăng cường bổ sung cơ sở vật chất cho Trạm xá phía Nam (ở Phú Mỹ - Phú vang), tiếp nhận tất cả các mẫu tôm, thực hiện xét nghiệm và trả lời kết quả đúng thời gian quy định. Đối với những mẫu tôm dương tính với các bệnh nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, Taura, IHHNV sẽ có những hướng dẫn xử lý cụ thể.

        Với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động của Trạm xá thú y, hy vọng năm 2013 và những năm đến, Trạm xá sẽ từng bước đưa ứng dụng của phương pháp xét nghiệm PCR để tìm ra những bệnh mới trên thủy sản để phục vụ ngày càng tốt hơn  trong hoạt động sản xuất nuôi tôm nói riêng và nuôi thủy sản nói chung./.

     

                                                                                                               KS. Nguyễn Sanh Minh

                                                                                                            Phó Trưởng Trạm xá Thú y

Các tin khác
Quan tâm chọn vắc xin phù hợp chủng và bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng
Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá bền vững
Bệnh do vi khuẩn E. coli ở vịt
Hướng dẫn sử dụng vắc xin Rabisin phòng bệnh dại ở chó, mèo
“BƠM TIÊM NỐI DÀI”- DỤNG CỤ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH GIA SÚC