• Chăn nuôi theo hướng VietGAHP: Hướng đến nền nông nghiệp sạch

      Xây dựng mô hình thí điểm chăn nuôi heo thịt, gà thịt qui mô nông hộ theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) gắn với an toàn thực phẩm được Trạm Chăn nuôi và Thú y Hương Thủy triển khai, mở ra triển vọng mới trong phát triển chăn nuôi sạch.

    Thay đổi tập quán

    Ông Hồ Đắc Thăng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thăng Dung (một trong 2 đơn vị triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP) thông tin: Chúng tôi phải ghi chép hàng ngày các hoạt động chăn nuôi, theo dõi từng hoạt động nhỏ như: vệ sinh, nhập giống, thức ăn, vacxin. Cơ quan thú y hướng dẫn theo dõi thực hiện tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh giúp hạn chế, kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Việc chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình, thời gian, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, được cấp chứng nhận chăn nuôi VietGAHP nên đảm bảo chất lượng thịt khi xuất chuồng.

    Khu chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP cách ly hoàn toàn với khu vực nuôi gà, vịt thông thường bằng hệ thống rào chắn. Muốn vào khu vực chăn nuôi lợn phải đi qua hố sát trùng; giúp giảm bớt tác nhân từ bên ngoài vào khu vực chăn nuôi, loại trừ một số nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Nước phục vụ nhu cầu chăn nuôi là nguồn nước sạch do nhà máy nước Phú Bài cung cấp chứ không sử dụng nước hồ như trước đây.

    Theo ông Trần Văn Hương, Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã Phú Sơn, trên địa bàn có 4 hộ tham gia mô hình chăn nuôi VietGAHP. Các hộ tham gia dự án được tập huấn và hướng dẫn quá trình chăn nuôi theo hướng an toàn. Người nuôi chủ động theo dõi từ quá trình nhập con giống đến khi xuất chuồng nên dễ dàng trong việc truy suất nguồn gốc thực phẩm về sau. Từ đó cải thiện điều kiện chăn nuôi và thay đổi tập quán chăn nuôi, các chỉ số chăn nuôi của các hộ áp dụng theo quy trình VietGAHP được cải thiện, không xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Môi trường chăn nuôi cũng được cải thiện nhờ xử lý tốt nguồn phân, nước thải bằng các giải pháp sinh học.

    Ông Nguyễn Khai, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Thị xã Hương Thủy cho biết: Sau 1 năm triển khai mô hình, ý thức của người chăn nuôi được nâng cao. Người chăn nuôi chủ động hơn trong việc bảo vệ đàn vật nuôi thông qua việc tiêm phòng các loại vacxin theo quy định, vệ sinh chuồng trại hằng ngày, phun thuốc sát trùng định kỳ, chống dịch bệnh, tạo được thói quen ghi chép nhật ký kiểm soát thời gian tiêm vacxin cũng như tính các chi phí đầu tư.

    Nghịch lý...

    Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAHP được xây dựng trên 4 tiêu chí: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc và truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Việc áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng; có nhiều lợi thế cạnh tranh; hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi; giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

    Theo chủ hộ chăn nuôi gà VietGAHP Vĩnh Huệ, thôn 2, xã Phú Sơn, mô hình chăn nuôi này giúp nâng cao chất lượng thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này cũng còn gặp không ít khó khăn nhất là thị trường. Hiện, giá bán, thị trường tiêu thụ vẫn chưa có chuyển biến nhiều so với gà thịt thông thường. Chúng tôi vẫn chủ yếu bỏ mối cho các cơ sở quen chứ sản phẩm chưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch.

    Trong khi, người tiêu dùng đang trong vòng luẩn quẩn không biết thực phẩm sạch, bẩn ra sao thì các cơ sở chăn nuôi theo hướng VietGAHP lại chưa có giải pháp hữu hiệu trong quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Hiện, trên địa bàn chưa có cá nhân, tổ chức nào đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm thịt VietGAHP. Các cửa hàng thực phẩm sạch đa số vẫn bán các sản phẩm sạch theo cảm quan, chưa có chứng nhận của cơ quan chức năng thì các cơ sở sản xuất thực phẩm được cấp chứng nhận VietGAHP lại “bí” đầu ra. Đây là một nghịch lý trong quá trình phát triển nông nghiệp sạch.

    Ông Nguyễn Khai, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Thị xã Hương Thủy chia sẻ: Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình khép kín từ chăn nuôi đến bàn ăn, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên chưa thể xây dựng các cửa hàng quảng bá thực phẩm VietGAHP của địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động từ một số nguồn đầu tư xây dựng cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm chăn nuôi VietGAHP của người dân. Đồng thời, vận động các hộ nông dân kiên trì trong việc thực hiện mô hình VietGAHP, chủ động đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bao bì và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của trang trại, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường

    (Nguồn: http://baothuathienhue.vn/chan-nuoi-theo-huong-vietgahp-huong-den-nen-nong-nghiep-sach-a55063.html)

Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện khẩn về việc ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận chuyển hành khách
Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật – Chi cục Thú y đưa cơ sở mới vào hoạt động
Thông báo nội dung cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2020 ngày 24/9/2014
UBND tỉnh phân bổ bổ sung 10.000 lít hóa chất Benkocid để tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm