• Chỉ thị của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật

      Ngày 25/6/2019, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật, nội dung chỉ thị như sau:

    Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình bệnh Dại đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, cụ thể: trong năm 2018, cả nước có 103 người tử vong vì bệnh Dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017) và có 521.831 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại (tăng 21.117 trường hợp so với năm 2017), trong đó có 41% các trường hợp là do chó thả rong có biểu hiện ốm và lên cơn Dại cắn; trong 4 tháng đầu năm 2019 có 16 người tử vong vì bệnh dại và 170.765 người phơi nhiễm phải đi tiêm vắc xin Dại. Mặtkhác, thời gian vừa qua tình trạng chó thả rông cắn người có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có trường hợp người tử vong do bị chó cắn, gây bức xúc cho dư luận và cộng đồng.

    Trên địa bàn tỉnh, mặc dù bệnh Dại trong những năm qua chưa xảy ra do việc tiêm phòng vắc xin Dại khá tốt. Tuy nhiên năm 2018, số người bị chó cắn và phải đi tiêm phòng bệnh Dại là 1.570 người; việc nuôi chó thả rong, không rọ mõm khi thả chó ra nơi công cộng chiếm phần lớn, đã có nhiều vụ tai nạn do chó gây ra;việc khai báo nuôi chó, lập sổ theo dõi chó nuôi chưa thực hiện thường xuyên; công táctiêm phòng dại và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm về phòng, chống bệnh dại tại một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.

    Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và đặc biệt để giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, giảm thiểu số người tử vong vì bệnh Dại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại ở động vật theo đúng quy định của Luật Thú y;Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/01/2017 của Thủ tướng Chính Phủvề việc phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021;Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06/7/2017 của Thủ tướng Chính phủvề việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phòng chống dịch bệnh trên cạn; Chỉ thị số 3402/CT-BNN-TY ngày 16/5/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônvề việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 20/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, trong đó cần chú trọng các nội dung sau:

    1.Rà soát, bổ sung, xây dựng và phê duyệt kế hoạchphòng chống bệnh Dại của địa phương. Kế hoạch cần bảo đảm có đủ nguồn lực và kinh phí thực hiện: Hỗ trợ vắc xin Dại tiêm phòng ở địa bàn khó khăn; tổ chức chủ động giám sát lưu hành mầm bệnh Dại để cảnh báo cộng đồng; tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó, chấp hành việc xích, nhốt; khi chó ra đường,nơicông cộng phải đeo rọ mõm cho chó. Lập kế hoạch, khuyến khích thành lập và có cơ chế cho các đội xử lý chó thả rông, đặc biệt trong khu vực thành thị.

    2. Chỉ đạo các ban, ngành và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, mạng lưới thú y cơ sở tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòngđạt 100% diện tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng.

    3. Chỉ đạo các đơn vị triển khai các chiến dịch truyền thông sâu rộng, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng chống bệnh Dại và quản lý chó nuôi.

    4. Tăng cường áp dụng các chế tài, xử lý nghiêm theo quy định vụ việc vi phạm quy định về nuôi chó, không chấp hành tiêm phòng bắt buộc vắc xin dại theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

    5. Chỉ đạo, rà soát và tổ chức xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Dại, đặc biệt tại khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu vực đông dân cư.

    6.Thành lập đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng đoàn, phối hợp với các cơ quan chuyên môn như thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại tại cơ sở và điều tra các trường hợp chó Dại gây thương vong trên người.

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan có kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi và tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện khẩn về việc ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận chuyển hành khách
Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật – Chi cục Thú y đưa cơ sở mới vào hoạt động
Thông báo nội dung cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2020 ngày 24/9/2014
UBND tỉnh phân bổ bổ sung 10.000 lít hóa chất Benkocid để tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm