• Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh


    Trước tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp ở Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam, ngày 07/12/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quytees định số 2842/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh. Nội dung kế hoạch như sau:

    I. TÍNH CẤP THIẾT

    1. Thông tin tóm tắt về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

    - Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người.

    - Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút. Loài ve mềm (Ornithodoros moubata) có thể làm lây truyền vi rút sang lợn. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cho lợn.

    2. Tình hình dịch bệnh trên thế giới

    - Năm 1921, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được báo cáo lần đầu tiên tại Kenya, và sau đó đã trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước Châu Phi. Năm 1957, bệnh được phát hiện tại Châu Âu và đến nay dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh địa phương ở nhiều nước trên thế giới.

    - Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 20/9/2018, đã có 19 quốc gia có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn bệnh là 360.966 con, số lợn chết vì bệnh là 119.370 con, tổng đàn lợn có nguy cơ, đã buộc phải tiêu hủy là 744.772con.

    - Tại Trung Quốc: Theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tính từ ngày 03/8/2018 đến ngày 19/10/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 49 ổ dịch xuất hiện tại 11 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm và Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây và tỉnh Vân Nam (giáp biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 210.500 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

    3. Tính cấp thiết

    Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh là rất cao.

    Tại Trung Quốc, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa vi rút bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

    Tại Thừa Thiên Huế tuy chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu phi, nhưng do khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa lụt sắp đến nên sẽ làm giảm sức kháng của vật nuôi, tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến, việc vận chuyển, mua bán, giết mổ tăng cao nhất là trong dịp Tết sắp tới. Mặt khác, do biến động của giá lợn tăng cao nên đã có hiện tượng tư thương nhập lậu lợn và sản phẩm của lợn vào địa bàn tỉnh và đi ngang qua tỉnh để tiêu thụ nên tăng nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào tỉnh.

    Thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; trong đó có nội dung chỉ đạo các địa phương tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam". Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 14/9/2018, trong đó chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành "Kế hoạch hành động" để chỉ đạo các đia phương, các ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp trong năm 2018, 2019 và các năm tiếp theo là nhiệm vụ cấp bách để chủ động phòng chống dịch bệnh trong tình hình hiện nay.

    II. MỤC TIÊU

    - Chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

    - Tiếp tục kiểm soát, khống chế không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống phù hợp và hiệu quả; tạo điều kiện cho chăn nuôi hàng hóa phát triển bền vững.

    III. CÁC TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI PHÁP

    1. Tình huống 1: Khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ở Việt Nam

    1.1. Mục tiêu cụ thể:

    Giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu phi vào Việt Nam và tỉnh, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời nếu vi rút xâm nhập vào địa bàn.

    1.2. Giải pháp

    1.2.1. Công tác chỉ đạo

    - Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện khẩn số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018; Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vể việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Chỉ thị số 8523/CT-BNN-TY ngày 01/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 14/9/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tiếp tục chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh; Công  văn số 2053/TY-DT ngày 30/8/2018 của Cục Thú y về chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam; Công văn số 2105/KH-TY-DT ngày 07/9/2018 của Cục Thú y về Kế hoạch chủ động triển khai giám sát để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam và các Quy định của Luật Thú y và văn bản hướng dẫn thi hành Luật.  

    - Tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi  năm 2018, 2019 và các năm tiếp theo" trên địa bàn tỉnh.

    - Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có tổng đàn lợn lớn, các địa phương có nhiều khách du lịch và có Quốc lộ 1A đi qua.

    - Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản tại Quyết định 1803/QĐ-UBND ngày 27/9/2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

    1.2.2. Công tác kiểm soát vận chuyển

    - Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

    - Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn;  khi phát hiện thực hiện  tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép vào tỉnh.

    - Tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín vào tỉnh; thực hiện xử lý thức ăn thừa có nguồn gốc chế biến từ thịt lợn từ các chuyến bay, tàu biển, phương tiện vận chuyển xuất phát từ vùng, quốc gia có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

    1.2.3. Công tác quản lý chăn nuôi lợn an toàn sinh học

    - Tăng cường  chỉ đạo, hướng dẫn chủ nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; khuyến khích các trang trại, gia trại chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

    - Tuyên truyền, hỗ trợ người chăn nuôi lợn tự bảo vệ đàn lợn bằng việc sử dụng con giống an toàn; quản lý chặt chẽ việc xuất nhập động vật, phương tiện, dung cụ... ra vào khu vực chăn nuôi; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho lợn; thực hiện vệ sinh cơ giới, tiêu độc bằng hóa chất thường xuyên; theo dõi, giám sát lâm sàng để phát hiện sớm dịch bệnh và thông tin cho cơ quan thú y nơi gần nhất để xử lý kịp thời.

    1.2.4. Công tác tiêu độc khử trùng

    - Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng; huy động máy bơm, hóa chất và hình thành các đội phun tiêu độc để triển khai thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên tại những nơi nguy cơ cao, các ổ dịch cũ, các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

    - Tiếp tục cấp phát hóa chất cho các địa phương để tiêu độc khử trùng;  huy động nguồn lực của địa phương và của người dân để mua hóa chất, vôi bột, ... thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên tại khu vực chăn nuôi.

    1.2.5. Công tác chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh

    - Tăng cường năng lực chẩn đoán, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh của lực lượng thú y toàn tỉnh; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch và  lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh.

    - Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân cần thông báo với cơ quan thú y gần nhất để lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) gửi chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

    - Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu (bao gồm cả các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích, lạp sườn, …) vận chuyển trái phép vào tỉnh; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các cơ sở giết mổ hoặc trong quá trình vận chuyển.

    - Hàng tháng, tổ chức giám sát định kỳ ở các vùng có nguy cơ, có mật độ chăn nuôi lợn cao...

    1.2.6. Công tác truyền thông nguy cơ

    - Hằng ngày theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh của các nước đang có dịch, nhất là tại Trung Quốc để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

    - Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến toàn dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ sự nguy hiểm của bệnh, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam và vào tỉnh, nhưng tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội.

    2. Tình huống 2: Khi phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ở trong nước, trong tỉnh.

    2.1. Mục tiêu cụ thể

    Giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên và phát tán rộng; khống chế bệnh dịch nhanh, gọn, hiệu quả.

    2.2. Giải pháp

    2.2.1. Thực hiện tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

    - Khi có thông tin nghi ngờ dịch bệnh, khẩn trương kiểm tra, xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm tác nhân gây bệnh và tiến hành đồng thời các giải pháp khống chế. Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

    - Khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thực hiện tiêu hủy bắt buộc. Phạm vi, thời gian và kỹ thuật tiêu hủy bắt buộc theo quy định của pháp luật và Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban hành kèm theo Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

    - Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

    2.2.2. Công bố dịch và khoanh vùng ổ dịch

    - Khi đủ điều kiện theo Luật Thú y, thực hiện công bố dịch bệnh theo quy định theo Điều 26, Luật Thú y (sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào danh mục các bệnh phải công bố dịch).

    - Khoanh vùng ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm để áp dụng các giải pháp hành chính, kỹ thuật cụ thể, phù hợp cho từng vùng tại Điều 27,28,29,30, Luật Thú y.

    2.2.3. Thực hiện tạm dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn

    - Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm (trừ trường hợp cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật đối  với các bệnh khác, cần phải lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương).

    - Không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y.

    2.2.4. Công tác quản lý chăn nuôi lợn an toàn sinh học

    - Tại các cơ sở chăn nuôi chưa có Dịch tả lợn Châu phi thực hiện nghiêm việc chăn nuôi an toàn sinh học; quản lý chặt chẽ các yếu tố, phương tiện, con người, động vật ra vào khu vực chăn nuôi. Tạm thời không tái đàn, không nhập mới lợn về nuôi nếu ở trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.

    - Thực hiện vệ sinh,tiêu độc bằng các loại hóa chất hàng ngày với lượng hóa chất nhiều hơn.

    - Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức kháng cho lợn và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tạo miễn dịch chủ động đối với các loại dịch bệnh truyền nhiễm thông thường.

    - Thường xuyên theo dõi lâm sàng đàn lợn, lượng thức ăn tiêu thụ; kịp thời thông tin, báo cáo khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh xảy ra để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

    2.2.5. Công tác giám sát và cảnh báo dịch bệnh

    - Thực hiện như ở mục 1.2.5 (tình huống 1) nhưng ở mức độ cao hơn, tần suất nhiều hơn. Đặc biệt giám sát tại các hộ chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan sang diện rộng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh xảy ra.

    - Nắm chắc tình hình dịch, phân tích điều tra ổ dịch, các yếu tố nguy cơ để cảnh báo, hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, các cấp và người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp khống chế dịch bệnh.

    2.2.6. Công tác truyền thông nguy cơ

    - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thông tin chính thức về các ca bệnh, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

    - Hằng ngày cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên các kênh truyền thông và trên trang web của Cục Thú y để thông báo diễn biến, tình hình dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang điện tử.

    - Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến Thú y cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

    IV. KHÁI TOÁN KINH PHÍ

    1. Cơ chế tài chính

    - Ngân sách tỉnh: Đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động bao gồm: Chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch;  phòng chống buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn vào tỉnh; giám sát, lấy mẫu, gửi mẫu và xét nghiệm dịch bệnh; tập huấn, hội nghị, hội thảo; thông tin tuyên truyền; chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch cấp tỉnh (mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động, thuốc sát trùng và triển khai tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh và xử lý môi trường...); kinh phí hỗ trợ chủ nuôi khi có lợn bắt buộc phải tiêu hủy.

    - Ngân sách huyện, xã:  Chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch cấp huyện, xã.

    2. Khái toán kinh phí (2 năm 2018 và 2019):

    2.1. Tình huống 1: Khi chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Việt Nam

    - Tổng kinh phí:                                          1.639.700.000 đồng

    - Trong đó:                      Ngân sách tỉnh:                  311.900.000 đồng

                                  Ngân sách huyện, xã:      1.327.800.000 đồng

    2.2. Tình huống 2: Khi phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở trong nước, trong tỉnh.

    - Tổng kinh phí:                                          24.919.100.000 đồng

    - Trong đó:                      Ngân sách tỉnh:               20.935.700.000 đồng

                                  Ngân sách huyện, xã:        3.983.400.000 đồng

                                                    

    V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    1. Ban chỉ đạo Chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản (Ban chỉ đạo CN, PCDBGSGCTS) tỉnh

     Là đầu mối chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trên địa bàn tỉnh theo bản kế hoạch này. Tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch, Ban chỉ đạo tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp.

    2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

    - Là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo CN, PCDBGSGCTS, là đầu mối chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi của tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện các nội dung:

    - Tham mưu cho UBND và Ban chỉ đạo CN, PCDBGSGCTS tỉnh triển khai các hoạt động tương ứng với các tình huống nêu trên; cập nhật và điều chỉnh kịp thời bản kế hoạch này tùy theo diễn biến của tình hình dịch trên thế giới, trong nước, những thông tin khoa học cập nhật về bệnh Dịch tả lợn Châu phi và thực tiễn quá trình triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

    - Trực tiếp phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc đôn đốc, kiểm tra các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch như: xây dựng kế hoạch hành động của địa phương, chuẩn bị vật tư, hóa chất, nhân lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống dịch.

    - Tổ chức tập huấn cho lực lượng thú y toàn tỉnh về bệnh Dịch tả lợn Châu phi, tình hình diễn biến của bệnh dịch, phương pháp chẩn đoán bệnh, kỹ thuật khống chế và xử lý ổ dịch...

    - Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý đàn lợn bị dịch, tiêu độc khử trùng và xử lý địa bàn khi phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu phi; tăng cường công tác quản lý giết mổ lợn và tiêu thụ sản phẩm lợn an toàn. Phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai xử lý lợn bệnh, môi trường khi có mẫu dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu phi.

    - Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện điều tra ổ dịch, giám sát và xử lý ổ dịch; phân tích các yếu tố nguy cơ để có giải pháp phòng chống dịch.

    - Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng xây dựng thông điệp truyền thông phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

    3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

    - Củng cố Ban chỉ đạo CN, PCDBGSGCTS cấp huyện, xã và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh thuộc phạm vi được giao.

    - Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế phối hợp với các Ban, ngành để xây dựng Kế hoạch hành động của địa phương, chủ động bố trí kinh phí phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

    - Chỉ đạo UBND cấp xã (nhất là các xã có nguy cơ cao, mật độ chăn nuôi lợn lớn), các ban, ngành của địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh Dịch tả lợn Châu phi nói riêng theo các tình huống của kế hoạch này và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

    - Thực hiện chế độ báo cáo dịch bệnh định kỳ và đột xuất theo quy định.

    4. Sở Giao thông vận tải:

    Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế khẩn trương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm của lợn đã qua chế biến chín đến địa bàn tỉnh.

    5. Sở Công thương

    Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm của lợn để có giải pháp tránh gây bất ổn về thị trường; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn các chủ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn rõ nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

    6. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng

    Thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, tránh gây hoang mang trong xã hội.

    7. Sở Tài nguyên và Môi trường

    Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường phục vụ công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

    Phối hợp với các địa phương chuẩn bị vị trí xử lý chôn hủy lợn, sản phẩm của lợn nếu có dịch bệnh xảy ra

    8. Sở Tài chính

    Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và đề xuất phương án kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khi phải bắt buộc tiêu hủy.

    9. Công An tỉnh

    Chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.         

    10. Cục Quản lý thị trường

    Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú y, công an giao thông, công an môi trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép.

    11. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

    Chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

    12. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội

    Phối hợp với các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, hội, đoàn viên tích cực tham gia phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

    Bản Kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời tùy theo diễn biến của tình hình dịch trên thế giới, trong nước, những thông tin khoa học cập nhật về bệnh Dịch tả lợn Châu phi và thực tiễn quá trình triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh./.

Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện khẩn về việc ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận chuyển hành khách
Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật – Chi cục Thú y đưa cơ sở mới vào hoạt động
Thông báo nội dung cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2020 ngày 24/9/2014
UBND tỉnh phân bổ bổ sung 10.000 lít hóa chất Benkocid để tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm