• Thừa Thiên Huế tăng cường triển khai một số biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm


    Thực hiện Công văn số 9102/BNN-TY ngày 11/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; Ngày 27/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6716/UBND-NN về việc triển khai một số biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; theo đó UBND tỉnh yêu cầu:

    1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung chỉ đạo chủ động áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan dịch bệnh trong dịp cuối năm, cụ thể:

    - Tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin đợt chính và đợt bổ sung để chủ động phòng các bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh ở lợn, bệnh dại cho chó và các bệnh bắt buộc phải phòng bệnh bằng vắc xin theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    - Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn, lấy mẫu giám sát chủ động trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện sớm các ổ dịch gia súc, gia cầm nhằm xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp; củng cố hệ thống báo cáo dịch đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và cập nhật thường xuyên theo Thông tư số 53/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo ngành Thú y chủ động phối hợp với ngành Y tế trong việc chia sẽ thông tin, phối hợp phòng, chống bệnh truyền lây chung giữa động vật và người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở : Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao Thông vận tải; Công an tỉnh, Cục Hải Quan, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện:

    - Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật theo đúng quy định hiện hành; ngăn chặn triệt để, có hiệu quả việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

    - Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến người chăn nuôi, từng cộng đồng dân cư về quyền lợi, trách nhiệm trong việc chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho xã hội, giảm thiểu nguy cơ lây truyền một số bệnh nguy hiểm cho người. Tuyên truyền, vận động người buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật chấp hành nghiêm các qui định pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật không tham gia vào các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp.

    3. Chi cục Thú y phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thú y.

    Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao./.

Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện khẩn về việc ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận chuyển hành khách
Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật – Chi cục Thú y đưa cơ sở mới vào hoạt động
Thông báo nội dung cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2020 ngày 24/9/2014
UBND tỉnh phân bổ bổ sung 10.000 lít hóa chất Benkocid để tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm