• Thừa Thiên Huế triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có hiệu quả


    Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 02/6/2019, trên địa bàn tỉnh, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra trên đàn lợn của 807 hộ chăn nuôi, 246 thôn, 60 xã thuộc 8 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, ALưới, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 3.130 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là hơn 156.167 kg.

    Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 17/5/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 21/5/2019 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại cuộc họp trực tuyến ngày 22/5/2019 để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế thể khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

    1. Xem công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tuân thủ hướng dẫn về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của các cơ quan chuyên môn. Quyết tâm khống chế dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo an sinh xã hội, an ninh nông thôn.

    2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

    3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

    - Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo kinh phí, huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,... khi cần thiết), triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các loại dịch bệnh động vật nói chung và nhanh chóng kiểm soát lây lan; hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch. Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ.

    - Chuẩn bị tốt các điều kiện khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy sản để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

    - Tổ chức rút kinh nghiệm đợt phòng, chống vừa qua để chủ động phát hiện sớm, thông tin kịp thời và có biện pháp sẵn sàng phòng, chống các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra đối với vật nuôi, cây trồng.

    - Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và các đoàn thể phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Động viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia tích cực vào công tác phòng, chống, khống chế  dịch bệnh. Vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí, phương tiện vật chất kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh; giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch bệnh này.

    - Thành lập các đoàn để kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống, khống chế dịch tại cơ sở. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để dịch lây lan trên diện rộng tại địa phương, đơn vị do mình phụ trách.

    - Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, tổng hợp, báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước 15h hàng ngày để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện khẩn về việc ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận chuyển hành khách
Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật – Chi cục Thú y đưa cơ sở mới vào hoạt động
Thông báo nội dung cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2020 ngày 24/9/2014
UBND tỉnh phân bổ bổ sung 10.000 lít hóa chất Benkocid để tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm