1111111111111111111 Chi cục Thú Y Thừa Thiên Huế
    • Chi cục thú y Thừa Thiên Huế - 23 năm xây dựng và phát triển (1989-2012)

      17/01/2013

                    Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), khi 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên nhập lại thì Trạm thú y Bình Trị Thiên được hình thành và đổi tên thành Chi cục thú y Bình Trị Thiên. Trong thời gian này, Chi cục đã có những bước phát triển nhất định, nhưng thực sự có những chuyển biến tích cực từ sau khi tái lập Tỉnh Thừa Thiên Huế và Chi cục thú y Thừa Thiên Huế được thành lâp cùng với sự ra đời của Pháp Lệnh Thú y năm 1993.

                Qua 23 năm (1989-2012), từ những khó khăn ban đầu, thiếu thốn về cả nhân lực, vật lực nhất là từ những năm trước 1990, sau khoán 10, đội ngũ thú y cơ sở tan rã, hợp tác xã không còn định suất lương cho thú y cơ sở. Pháp lệnh thú y ra đời tạo ra bước ngoặt lớn cho ngành thú y. Chi cục thú y Thừa Thiên Huế đã biết nắm bắt cơ hội, tổ chức sắp xếp lại hệ thống thú y thông suốt từ Tỉnh đến cơ sở. UBND Tỉnh có quyết định sáp nhập tất cả các trạm thú y huyện về Chi cục để quản lý theo ngành dọc tạo nên một bước đột phá mới cho ngành.

                Chủ trương củng cố tổ chức, trong đó con người là vấn đề tiên quyết cho sự thành công. Trong những năm qua, Ngành thú y đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Toàn ngành có 97 cán bộ, trong đó có 1 tiến sỹ, 8 thạc sỹ, 64 kỹ sư, bác sỹ chuyên sâu từng mặt về chăn nuôi, chẩn đoán, dịch tễ, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, thanh tra...phù hợp với từng mặt hoạt động được đặt ra trong thực tiễn;  Có 8 trạm thú y các huyện và 1 Bệnh xá thú y, 5 phòng ban trực thuộc Chi cục. 

                Ngành đã tổ chức đào tạo nghề, xây dựng mạng lưới thú y cơ sở, tổ chức được 152 ban chăn nuôi thú y. Thú y trưởng, phó phường xã được hưởng phụ cấp hệ số 1 và 0,5, mạng lưới thú y cơ sở đã lên tới  580 thú y viên, đảm trách công tác giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng, chống dịch, tuyên truyền, thực hiện các hoạt động dịch vụ được nhân dân tín nhiệm cao.

                Với đội ngũ cán bộ có chất lượng và tinh thần trách nhiệm, Ngành thú y Thừa Thiên Huế đã thực hiện có hiệu quả trên các mặt hoạt động.

                1. Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch, các Đề án Phát triển chăn nuôi, nâng cao số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án Khôi phục đàn lợn giống sau dịch, Đề án Phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao giai đoạn 2011 - 2015 đã cải thiện chất lượng đàn lợn thịt một cách rõ rệt, toàn tỉnh có 37.168 con lợn nạc (≥ 75% máu ngoại), chiếm 15,75% tổng đàn (tăng 377,37%). Lợn nái F1 và nái ngoại có 9.535 con (tăng 66,1% so với năm 2011; tăng 157,3% so với năm 2010). Chất lượng đàn bò cũng đã được cải thiện, đàn bò lai có 7.064 con chiếm 32,7% tổng đàn.

    2. Tổ chức thực hiện tiêm phòng, chống dịch có hiệu quả cao: Từ nhận thức tiêm phòng là nhiệm vụ hàng đầu để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, công tác này được triển khai thông qua kế hoạch hàng năm, được nhân dân đồng tình và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Nhờ vậy mà tiêm phòng gia súc, gia cầm, dại chó hàng năm đều đạt trên 80% tổng đàn gia súc trong diện tiêm. Trong những năm gần đây, ngành thú y đã tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm, tiêm LMLM cho trâu bò, lợn nái, lợn đực giống, tiêm phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.

                Trong  chống dịch  ngành đã tổ chức  hệ thống mạng lưới giám sát dịch bệnh chặt chẽ với 580 thú y viên tại cơ sở (xã, phường), luôn thông tin chính xác và xử lý dịch kịp thời. Công tác tổng hợp, báo cáo, dự báo tình hình dịch bệnh được Chi cục quan tâm vì đây là yếu tố hết sức quan trọng giúp cho công tác chỉ đạo phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả. Trong những năm qua các dịch bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn ... chỉ xảy ra lẻ tẻ và đã  kịp thời phát hiện, bao vây, ngăn chặn không để dịch lây lan sang diện rộng.

               Dịch cúm gia cầm ở TT Huế  xảy ra từ 31/1/2004 ở 28 xã thuộc 6 huyện thành phố, bằng nhiều biện pháp phòng chống tích cực, chỉ trong 9 ngày (đến 7/2/2004) dịch cúm đã được dập tắt, không có trường hợp lây sang người. Từ đó đến nay, ngành đã tập trung chỉ đạo bằng nhiều biện pháp đồng bộ do đó dịch cúm chỉ tái phát tại xã Phú An (năm 2007) và đã được khống chế trong những năm gần đây.

               Thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính và kỹ thuật phòng chống bệnh LMLM theo quyết định 38/2006/BNN-PTNT của Bộ NN&PTNT, bệnh tai xanh theo quyết định 80/2008/QĐ-BNN và hướng dẫn cụ thể của Cục thú y, tổ chức giám sát phát hiện dịch kịp thời, khoanh vùng và xử lý không để dịch lây lan ra diện rộng.

               3. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh: Thực hiện theo quyết định số 66/2008/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT. Chi cục thú y đã tham mưu UBND Tỉnh, sở NN&PTNT thành lập ban chỉ đạo xây dựng CSATDBĐV từ năm 2008. Đến nay đã cùng các xã và nhân dân có chăn nuôi xây dựng và được công nhận 3 cơ sở ATDB ĐV (xã) và 01 cơ sở ATDB (trang trại) được Cục Thú y công nhận. 

               4. Công tác KD-KSGM-KTVSTY và thanh tra pháp chế: Đây là thành tích đáng tự hào của ngành thú y Thừa Thiên Huế. Từ năm 1995, đứng trước tình hình việc giết mổ gia súc phân tán với 265 điểm riêng lẻ, không kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, Ngành thú y cùng các cấp chính quyền trong tỉnh đã từng bước quy gom tập trung thành 33 cơ sở giết mổ gia súc tập trung đảm bảo vệ sinh thú y. Các gia súc giết mổ được kiểm tra dịch bệnh và VSTY, đóng dấu  trước khi lưu thông trên thị trường. Khi dịch cúm gia cầm xảy ra (vào đầu năm 2004), Tỉnh đã quy hoạch được 5 điểm giết mổ gia cầm tập trung, 7 khu vực mua bán SPGC sạch, 10 điểm bán gia cầm sống trong toàn tỉnh.

               Công tác tuyên truyền, tập huấn PLTY và các văn bản quản lý nhà nước liên quan đã được các ngành quan tâm phối hợp thực hiện, công tác thanh kiểm tra được tổ chức thường xuyên và định kỳ trên các mặt công tác, đã xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch, KD-KSGM-KTVSTY, hành nghề dịch vụ thú y, kinh doanh mua bán thuốc thú y....

                5. Công tác khoa học kỹ thuật và nghiên cứu thực nghiệm ngày càng được đầu tư và hoạt động có hiệu quả: Việc tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật cho thú y và người chăn nuôi đã triển khai thường xuyên qua đài truyền hình, tờ rơi, tổ chức tập huấn, phát hành tập san  2 số/năm.

               Các năm qua đã thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học đã được hội đồng KHKT của Tỉnh, của Viện Thú y đánh giá cao và đã được chuyển giao kết quả vào sản xuất sau khi được nghiệm thu.

               Tại Bệnh xá thú y được xây dựng đầu tư trang thiết bị đầu tiên ở khu vực Bắc và Nam Trung Bộ, thực hiện mổ khám, xét nghiệm, hướng dẫn điều trị, điều trị thử nghiệm, thử hiệu lực vaccine, ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT vào  thực tiễn ... Số ca bệnh súc đã tăng dần và công tác xét nghiệm được thực hiện đã góp phần phát hiện chính xác, kịp thời dịch bệnh. Tổ chức xét nghiệm huyết thanh để kiểm tra sự  bảo hộ sau tiêm phòng cúm gia cầm, dịch tả lợn, Xét nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến ĐV&SPĐV. Các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại như ELISA, PCR được ứng dụng trong xét nghiệm đối với các bệnh  ở gia súc, gia cầm và thủy sản.

                Ngoài ra, Chi cục thú y còn là nòng cốt để xây dựng Hội Chăn nuôi Thú y ngày càng lớn mạnh, quy tụ được lực lượng cán bộ KHKT CNTY trong tỉnh để tăng thêm sức mạnh, góp phần vào việc bảo vệ và phát triển chăn nuôi của tỉnh nhà: như Khoa KHVN - ĐH Nông Lâm Huế, Trung tâm khuyến nông, công ty giống vật nuôi. Hội CNTY Tỉnh là thành viên của Hội LHKHKT Tỉnh TT Huế, của Hội Thú y và Hội Chăn Nuôi Việt Nam và luôn được Hội cấp trên đánh giá cao.

                Với lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật được nâng cao, với trang thiết bị ngày càng hiện đại, với những kinh nghiệm đã thu thập được trong những năm qua cùng với sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT, sự chỉ đạo chuyên môn của Cục thú y, Cơ quan thú y Vùng III, Chi cục thú y Thừa Thiên Huế khắc phục những khó khăn, phát huy những thuận lợi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ vủa ngành, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và phát triển đàn gia súc, gia cầm của tỉnh nhà./.