• Thực trạng một số sản phẩm chăn nuôi hiện nay


        Trần Văn Tâm

    Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y

         Thời điểm này chăn nuôi không bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhưng nhiều hộ chăn nuôi và người kinh doanh thịt lợn, gà... vẫn điêu đứng vì giá cùng sức mua giảm mạnh. Sau khi thông tin thịt lợn nhiễm chất siêu tạo nạc dịu xuống, giá mặt hàng này tiếp tục giảm mạnh khiến người chăn nuôi và giới kinh doanh bất ngờ. Cụ thể, thịt lợn hơi được bán hạ khoảng 8.000 - 10.000 đồng một cân, so với đầu năm.

         Khảo sát tại nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp hiện nay, giá xuống còn 29.000- 30.0000 đồng mỗi cân, giảm gần 10.000 đồng so với hồi đầu năm. Các loại trứng gà, trứng vịt giảm 300 - 500 đồng mỗi quả. Giá hạ, khó xuất chuồng, nông dân còn đối mặt với nguy cơ bỏ đàn vì cạn vốn, chi phí đầu vào tăng mạnh. Hiện, để có mỗi kg gà thành phẩm, phải đầu tư không dưới 32.000 đồng bao gồm tiền giống, thóc, chuồng trại, hệ thống sưởi... Nhưng chỉ bán ra được với giá 30.000 đồng, nên mỗi ngày đều thất thu mặc dù cả gia đình vẫn phải lao động.

         Một chủ trang trại tâm sự, để có một kg lợn hơi, chị tốn khoảng 45.000 - 47.000 đồng, bao gồm tiền giống, cám, chuồng trại, văcxin. Trong khi đó, giá xuất chuồng hiện chỉ là 45.000 - 46.000 đồng. "Giờ bán lỗ vốn cũng không xong, không dính dịch bệnh, heo lớn đều, tưởng may ai ngờ khó xuất chuồng quá", chị băn khoăn không biết có nên tiếp tục dồn tiền đầu tư hay không. Bởi với quy mô gần 2 ha như đang làm, chị không thể chăn nuôi manh mún hay cắt bớt bất cứ công đoạn nào để tiết kiệm như thức ăn, vệ sinh, phòng dịch bệnh... Nhưng nếu nhập giống, cám và thuê người lao động rồi không xuất đàn được thì khoản nợ vay sắp đến kỳ đáo hạn, chưa biết phải xoay xở ra sao: "Tưởng sau đợt thịt siêu nạc, giá sẽ phục hồi, không ngờ lại giảm tiếp".

         Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng nông nghiệp, chăn nuôi trong nước năm 2012 "được mùa". Tuy nhiên sức mua kém dẫn đến tình trạng giá thịt lợn, thịt gà... giảm mạnh. Một thống kê mới đây của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện giá bán lợn và gà tại các thành phố giảm 30-40% so với những tháng đầu năm 2012, sức mua hạ 50% khiến người chăn nuôi lao đao. "Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thời tiết thuận lợi. Năm ngoái, người chăn nuôi có lãi nên nhiều hộ tái đàn, sức sản xuất lớn mà sức mua giảm vì khủng hoảng nên giá hạ". Đây là tình trạng chung của toàn ngành kinh tế khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thêm đó, thời điểm này mọi năm, hoạt động xây dựng, sản xuất tại các công trường, công xưởng nhiều, tỷ lệ người nông dân ra thành phố làm việc lớn nên nhu cầu sử dụng thịt mạnh. Còn năm nay, hàng loạt doanh nghiệp đình đốn, phá sản, người lao động bỏ việc về quê dẫn đến nhu cầu tiêu dùng ở thành phố cũng giảm đi.

          Một nguyên nhân nữa là việc xuất khẩu thịt lợn, gia cầm sang Trung Quốc giảm so với những năm trước vì "nước bạn không thiếu thực phẩm nữa".

          Hai năm gần đây chăn nuôi đã trở nên cùng cực vì giá cám đắt, nguy cơ dịch bệnh uy hiếp, giá xuất chuồng bấp bênh. “Nông dân bé” đang phải tự chịu tất cả. Dịch bệnh thì tự chữa, mua thức ăn gia súc đắt thì chịu, giá bán thấp cũng phải chấp nhận... và còn phải chịu đựng những bấp bênh từ kinh tế vĩ mô như nền kinh tế xã hội đang khó khăn, chuyện cho thịt gà, thịt lợn nhập khẩu tràn lan... Có thể nói chăn nuôi bây giờ như đánh bạc. Người chăn nuôi tính rằng nhập giống vào thời điểm này là tốt vì sau ba tháng chăm sóc, bán sẽ được giá. Thế nhưng không hẳn như vậy, có thể ba tháng sau gặp đợt dịch (lỗ toàn bộ) hoặc giá rẻ không có lãi vì nhiều người nuôi cùng một thời điểm.

    Nguy cơ từ thịt nhập khẩu

          Theo các chủ trang trại chăn nuôi, giá bán sản phẩm chăn nuôi (heo, gà, vịt, trứng) thấp suốt từ đầu năm đến nay, trong đó có nhiều tháng liền bán dưới giá thành khiến cả ngành chăn nuôi thua lỗ. Tháng 10 vừa qua, Công ty Japfa thông tin đến các chủ trang trại trong mạng lưới chăn nuôi gà của họ về việc giãn thời gian nuôi 4-5 lứa/năm xuống nuôi cầm chừng còn 2 lứa/năm.

         Trước những khó khăn đó, người chăn nuôi có khả năng giảm, bỏ đàn vì không tiêu thụ được hoặc phải bán dưới giá đầu tư dẫn đến thua lỗ. Nếu vấn đề đó không được giải quyết thì dịp tết Nguyên đán có thể khan hiếm thực phẩm, giá trên thị trường lại tăng cao.

          Mặc dù rất khó khăn song người chăn nuôi nên cố gắng theo đến cùng, bởi đặc thù của sản xuất nông nghiệp là lúc được giá lúc xuống giá. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để nông dân thực sự tiếp cận được vốn vay ưu đãi, tiếp tục kinh doanh trong giai đoạn này, tránh tình trạng khan hàng đẩy giá thực phẩm dịp cuối năm gây bất ổn xã hội. Những năm gần đây, việc chăn nuôi gặp quá nhiều khó khăn. Lợi nhuận trong chăn nuôi luôn bấp bênh, dịch bệnh trong chăn nuôi nhiều. Nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ rất khổ, chăn nuôi tiếp thì khó có lãi và nhiều rủi ro, còn không chăn nuôi thì không có việc làm. Là nông dân bám ruộng đồng mấy chục năm rồi, nên họ không muốn làm Ôsin ở thành thị.

         Chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu nông hộ, cộng cả xóm cũng chỉ cỡ trăm con heo, vài nghìn con gà. Nhưng nếu cộng tất cả người chăn nuôi nhỏ lẻ cả nước, con số hẳn là có ý nghĩa với nền kinh tế, nhất là ở khu vực nông thôn hiện nay đang rất cần ổn định cuộc sống để không phải bỏ vùng quê lên chen chúc tìm việc ở các vùng đô thị. Nông dân bỏ chăn nuôi, Nhà nước sẽ thiệt thòi vì nước ta rồi cái gì cũng phải nhập khẩu.

    Cứu người chăn nuôi

           Người chăn nuôi là nông dân phần lớn chỉ lấy công làm lãi, vậy sao lại lỗ? Chi phí từ khi nuôi con giống đến khi bán được đều đổ dồn vào thức ăn. Mà giá thức ăn gia súc lại bị một số công ty lớn chi phối nên thường tăng vô tội vạ đẩy giá thành lên cao. Trong khi đó, giá bán sản phẩm của người chăn nuôi luôn phải cạnh tranh vất vả với gà ngoại nhập, thậm chí là gà loại thải nhập lậu tràn qua biên giới, thì làm sao người chăn nuôi có thể tồn tại. Cho nên, người chăn nuôi cứ mất vốn dần, dẫn đến việc phải nuôi gia công cho các Công ty lớn hoặc bỏ nghề. Nếu không quản lý thị trường giá thức ăn gia súc mà cứ để tình trạng như vậy thì việc khuyến khích người chăn nuôi chỉ là trên lý thuyết.

          Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 7 lần, trong khi đó chính sách ưu đãi về vay vốn, bình ổn giá còn khó khăn nên người dân rất khó duy trì đàn, đối mặt với khó khăn, nhiều hộ có nguy cơ “treo” chuồng. Người chăn nuôi đề nghị ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ thủ tục, ưu đãi lãi vay cho hộ chăn nuôi theo đúng chủ trương của Chính phủ; Bộ Công thương cân nhắc chính sách nhập khẩu thịt sao cho phù hợp để hỗ trợ người chăn nuôi. Chặn cửa tạm nhập tái xuất, hải quan cần chặn ngay cửa nhập gà này để cứu người chăn nuôi. Cụ thể hiện nay giá thịt gà nhập khẩu chỉ bằng nửa giá thành đối với các trang trại nuôi trong nước thì đối với người chăn nuôi chưa đủ cho chi phí tiền mua thức ăn. Với tình hình này thì trang trại hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, của người chăn nuôi chỉ có thể bán ve chai.

         Không chỉ vì giá rẻ mà người tiêu dùng có thể ăn phải thực phẩm nguy hại. Vì sức khỏe của bản thân cũng như vì ngành chăn nuôi trong nước, người tiêu dùng nên cân nhắc khi mua thịt gà, tốt nhất không nên mua gà phụ phẩm nhập ngoại khi chưa biết rõ chất lượng của nó.

    Cần có hướng đi thích hợp giành thế chủ động và phát triển bền vững

         Thật khổ cho những người nông dân làm ăn chân chính, nai lưng ra làm mà lãi chẳng bao nhiêu. Khi có được mùa thì họ cũng còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Tuy nhiên, họ cần phải vươn trực tiếp tới thị trường bằng cách lập nhóm, hiệp hội quản lý từ khâu chăn nuôi đến khâu tiêu thụ, cùng chung nhau vốn mở công ty, cửa hàng tiêu thụ trực tiếp sản phẩm sạch, giảm thiểu phụ thuộc vào thương lái, lập các cơ sở giết mổ chế biến thực phẩm hiện đại như làm thịt lợn muối, cấp đông bảo quản, đóng hộp ...vv. Như vậy, hết thảy người tiêu dùng đều được lợi mà bà con nông dân cũng đảm bảo được lợi nhuận của mình.

         Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế (2010-2012), trong khi nhiều công ty trong nước phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản thì các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chăn nuôi liên tục mở thêm nhà máy mới và mở rộng thị phần. , phân tích nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp trong nước “chết” là do lãi suất ngân hàng cho Doanh nghiệp vay quá cao. Doanh nghiệp trong nước tự bơi mà không có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các Công ty FDI.

    Kiến nghị

         Chính phủ cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, dành quỹ đất sản xuất và hổ trợ mọi điều kiện để các Doanh nghiệp trong nước xây dựng vùng nguyên liệu chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chế biến phải nhập ngoại, mong có cơ hội cạnh tranh với các Công ty FDI.

         Ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ thủ tục, ưu đãi lãi vay cho hộ chăn nuôi và chủ trang trại theo tiêu chí mới đã ban hành;

         Bộ Công thương cần cân nhắc kỹ trước khi có chính sách nhập khẩu thịt sao cho phù hợp, cần hạn chế nhập phụ phẩm như chân, cánh gà, móng heo để “cứu” ngành chăn nuôi…

        Nhiều người lo ngại thị trường thịt “ngoại” sẽ “bóp” chết ngành chăn nuôi của VN.

     

Các tin khác
Hiệu quả từ Đề án Phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao