• Tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụngchất cấm trong chăn nuôi, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm

      Ngày 06/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc Tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụngchất cấm trong chăn nuôi, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, theo đó UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:

    1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

    - Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn. Có chính sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung theo hướng hiện đại, nâng cấp các cơ sở giết mổ đã được xây dựng tại địa phương đi vào hoạt động hiệu quả; nghiên cứu, rà soát, căn cứ tình hình thực tế đề xuất cụ thể việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/4/2023.

    - Bố trí và giao lực lượng thú y thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, không để lây lan dịch bệnh cho động vật.

    - Xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ động vật tập trung có sự kiểm soát của chính quyền địa phương và của cơ quan chuyên môn thú y. Tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    - Hàng năm xây dựng và triển khai chương trình giám sát, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ động vật đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý theo quy định pháp luật đối với các cơ sở giết mổ động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

    - Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh, mua bán, vận chuyển chất cấm; sử dụng chất cấm đối với vật nuôi tại cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn.

    - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

    - Báo cáo kết quả kiểm soát giết mổ định kỳ vào ngày 25 hàng tháng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp.

    2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

    - Hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất một số tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có thể nâng cấp, mở rộng, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/5/2023.

    - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giết mổ động vật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tất cả các cơ sở giết mổ đều có nhân viên thú y kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không để giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát giết mổ và quy trình kiểm soát giết mổ của nhân viên thú y được giao nhiệm vụ tại cơ sở giết mổ.

    - Tổ chức thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát sử dụng chất cấm tại các cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình giám sát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại địa phương.

    - Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật.

    3. Sở Y tế

    Chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

    4. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường

    Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối, siêu thị,...

    5. Công an tỉnh

    - Tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng về kiểm soát giết mổ động vật làm lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm.

    - Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập các chuyên án, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, lợn chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y, sử dụng và nghi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

    6. Sở Thông tin và Truyền thông

    Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân việc kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng. Thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

     

    7. Sở Tài chính

    Tham mưu bố trí nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

    8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

    Nghiên cứu, hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh.

    9. Sở Xây dựng

    Nghiên cứu, rà soát, tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/4/2023.

    10. Sở Tài nguyên và Môi trường

    Phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, rà soát xác định vị trí, quỹ đất để xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung; đồng thời quản lý tốt môi trường tại các cơ sở giết mổđộng vật trên địa bàn tỉnh.

    11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh

    Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp huyện chủ động tham gia cùng chính quyền, các đơn vị liên quan cấp huyện trong công tác quản lý, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kiểm soát giết mổ độngvật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

    Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.


     

Các tin khác
Tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi
Virus A(H5N8) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam
Chủ động phòng chống bão lũ, đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi
Triển khai Thông tư số 09_2021_TTBNNPTNT ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hướng dẫn phương án bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão