• Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá bền vững


     

     Thời gian qua, ngành chăn nuôi rơi vào cảnh khốn khó nhiều bề, không ít hộ chăn nuôi đang dần kiệt sức, thậm chí phá sản. Nguyên nhân chính do giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang từ  đầu năm 2010 tới nay, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dịch bệnh diễn biến phức tạp....và gần 2 tháng qua, khi thông tin việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo phủ khắp các kênh truyền thông đại chúng, do lo ngại dùng phải thịt heo sử dụng chất cấm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng đã quay lưng lại với thịt heo, khiến hàng loạt trại chăn nuôi lâm vào cảnh điêu đứng do heo rớt giá, không tiêu thụ được. Giá heo giảm mạnh, đẩy người chăn nuôi heo chân chính vào cảnh thua lỗ nặng.  

    Điều đáng nói hơn là việc vi phạm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty TNHH Dinh Dưỡng Vàng liệu chỉ là chuyện “một con sâu làm rầu nồi canh” hay từ lâu đã là một cuộc đua ngầm giữa các DN sản xuất thức ăn gia súc trong cuộc đua đáp ứng đơn đặt hàng của người chăn nuôi.

    Lỗ không còn ngóc đầu lên được

    Hơn hai tháng trôi qua kể từ sau cú sốc về thông tin chất tạo nạc đến nay, giá thịt lợn không thể ngóc đầu trở lại, trong khi đó giá gia cầm cũng chẳng hơn gì. Mỗi kilogam, lỗ hơn 10 nghìn đồng! 

    Trong khi các chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng đang điên đầu vì thua lỗ triền miên, thì những “đồng nghiệp” khác của họ là các trang trại chăn nuôi gia cầm thịt cũng đang ngắc ngoải chờ phá sản.

    * Trả lại công bằng...

    Cần một cuộc “đại phẫu” để chỉnh đốn lại ngành chăn nuôi, hướng tới giữa Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tổ chức cuộc họp với một số Sở ngành, địa phương trong tỉnh để đưa ra các giải pháp nhằm quản lý chặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đồng thời bảo vệ quá trình kinh doanh của người nuôi heo chân chính...  Theo tính toán của người chăn nuôi, với mức giá này người nuôi heo chỉ lỗ chứ không thể có lời nên không thể tiếp tục tăng đàn, mở rộng chăn nuôi.

    Vào thời điểm này, vấn đề quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi đang được đặt ra bức thiết, nhất là sau khi việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc và tăng trọng của một số hộ chăn nuôi đã tạo nên tâm lý hoang mang trong dư luận và gây không ít sóng gió cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

    Theo nhiều ý kiến, hiện nay mức xử lý các trường hợp sử dụng, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe với các đối tượng sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, một số loại thuốc Bộ Nông nghiệp - PTNT cấm dùng nhưng không đề xuất bổ sung vào danh mục chất cấm dùng đối với xử lý hình sự nên không thể áp dụng hình thức này. Do đó, nhiều Sở, ngành đề nghị thời gian tới, Bộ NN - PTNT nên bổ sung chất cấm sử dụng trong chăn nuôi vào danh mục xử lý hình sự. Bởi chỉ có mức chế tài mạnh, chắc chắn các cơ sở buôn bán cũng như nông dân sẽ không dám sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

    Đứng trước thực tế “vàng thau lẫn lộn”, cần tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi để cứu người chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chân chính trong giai đoạn hiện nay.

    Sau các sự kiện thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, sử dụng chất cấm, chất tăng trọng… bị phát hiện, hậu quả để lại quả là không nhỏ và thiệt thòi vẫn thuộc về người chăn nuôi và người tiêu dùng. Bởi đây là các đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất khi gặp các biến động của thị trường. Thực tế, hiện nay giá thịt heo hơi đã giảm hơn 10% so với trước đây, bình quân cứ 1 tạ heo thì người chăn nuôi mất hơn 1 triệu đồng. Quyền lợi của các cơ sở sản xuất thức ăn, chăn nuôi bất chính và các cơ sở làm ăn chân chính vô hình chung đang bị “cào bằng”.

     Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đồng thời bảo hộ cho giá đầu ra chăn nuôi của các chủ trang trại làm ăn uy tín. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát đối với người kinh doanh, sản xuất thức ăn và các hộ chăn nuôi, quản lý cơ sở giết mổ, làm rõ nguồn gốc xuất xứ.... Song song, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Người chăn nuôi nên lựa chọn thức ăn chăn nuôi tin cậy, không mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng.

    Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 27/3/2009 của Hội nghị Tỉnh uỷ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 16 (khoá XIII) nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vừa qua một lần nữa đã xác định chăn nuôi là hướng ưu tiên phát triển của ngành nông nghiệp trong những năm tới, nhằm thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá.  Tuy nhiên, để ngành chăn nuôi có bước phát triển “nhảy vọt” trong giai đoạn 2010-2015 như định hướng của tỉnh, sẽ phải giải quyết hàng loạt những khó khăn, vướng mắc đã và đang đặt ra lâu nay như chất lượng con giống, thị trường, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, vốn đầu tư phát triển…Vậy, đâu sẽ là những giải pháp hữu hiệu nhất trong thời gian tới ?

    Đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ chăn nuôi

    Thực tế, một thời gian dài vốn đầu tư cho ngành chăn nuôi rất thấp, dẫn đến quy mô chăn nuôi (chủ yếu là hộ gia đình) còn nhỏ lẻ; chất lượng con giống chưa được cải thiện, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi gần như bỏ lửng… dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, nhiều năm chăn nuôi phát triển tự phát, thiếu sự quản lý của Nhà nước (nhất là công tác thú y) đã làm cho dịch bệnh liên tục xuất hiện và lây lan, cướp đi hàng triệu con gia súc, gia cầm. Không chỉ người chăn nuôi bị thiệt hại nặng, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà nguy hiểm hơn, môi trường sống bị ô nhiễm, sức khoẻ con người bị đe doạ. Thời gian tới nhất thiết phải ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ chăn nuôi (như: chẩn đoán xét nghiệm bệnh, trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, cơ sở chế biến thức ăn…).

    Việc triển khai thực hiện đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2007-2010 và đến năm 2015 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 27/3/2007), là không thể chậm thêm được nữa, và cần phải rà soát, đẩy mạnh phát triển hình thức chăn nuôi tập trung theo trang trại; mỗi khu chăn nuôi tập trung chỉ nên nuôi một loại gia súc hoặc gia cầm. Một điều khẳng định là, có xây dựng các khu chăn nuôi công nghiệp tập trung thì mới có điều kiện kiểm soát, khống chế dịch bệnh, thực hiện sản xuất hàng hóa, phục vụ chế biến và xử lý được môi trường. Có khu chăn nuôi tập trung thì mới khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển chăn nuôi theo dự án với số lượng lớn. Ở các huyện, thị xã cần xúc tiến quy hoạch bố trí đất để xây dựng khu chăn nuôi tập trung.  Tuy nhiên, yếu tố quyết định nhất vẫn là những cơ chế “thoáng” trong việc hỗ trợ vốn đầu tư, giao quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu... phục vụ phát triển chăn nuôi.

    Cải tạo giống và hỗ trợ vốn vay cho người chăn nuôi

    Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y, quản lý nhà nước về giống, thức ăn, chế biến sản phẩm chăn nuôi, quản lý dịch bệnh… tăng cường năng lực cho những người làm công tác khuyến nông-thú y cơ sở. Đặc biệt, cần xã hội hóa công tác này bằng việc tổ chức, quản lý, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới dịch vụ chăn nuôi-thú y hoạt động tốt; đồng thời phát huy được vai trò của các Hội nghề nghiệp ở mỗi địa phương. Cần phải sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao với con vật nuôi chính. Đánh giá chất lượng giống, cung cấp nguồn giống nào đảm bảo là việc rất cần thiết. Bởi một khi sản phẩm muốn


     vào siêu thị thì cần hội đủ những yếu tố này.  

    Hiện nay, người tiêu dùng đòi hỏi thịt lợn phải có tỷ lệ nạc trên 60%, trong khi đó giống lợn Móng Cái mà lâu nay nuôi đại trà tỷ lệ nạc bình quân chỉ 34,5%. Vì vậy, trong những năm đến phải đầu tư chăn nuôi giống heo ngoại có tỷ lệ nạc cao bằng một quy trình công nghệ chăn nuôi tiên tiến theo hướng thành lập các khu chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nông hộ ở khu vực đồng bằng. Theo ngành chuyên môn, muốn sản phẩm thịt heo đủ điều kiện cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu (cũng như nội địa) thì cần chọn nuôi các giống heo siêu nạc Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrains. Tùy theo sự phát triển của đàn lợn mà có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp, với giá thức ăn như hiện nay, nếu chăn nuôi quy mô lớn mới có lãi, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ nặng.

    Các huyện miền núi của Thừa Thiên Huế có thế mạnh rất lớn trong việc phát triển đàn gia súc ăn cỏ, trong đó “mũi nhọn” vẫn là con bò. Từ nay đến năm 2015, do nhu cầu cải tạo giống bò vàng địa phương nên phải ưu tiên phát triển bò cái lai sinh sản, phấn đấu trong 5 năm tới ít nhất 70% đàn bò cái sinh sản có máu lai Zêbu. Từ chương trình cải tạo giống, tiến hành chọn lọc trên nền bò cái lai Zêbu (F1, F2, F3) tiếp tục cho lai với các giống bò ngoại thuần chuyên thịt để tạo những đàn bò thịt chất lượng cao tại các vùng trọng điểm. Công tác phối giống chủ yếu thực hiện bằng thụ tinh nhân tạo,  trọng lượng đàn bò thịt trong vòng 4-5 năm nữa sẽ được nâng lên hơn 500 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ đạt 60 - 65%..... Bởi, người chăn nuôi sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% tinh viên đông lạnh, nitơ bảo quản, thiết bị và dụng cụ phối giống; đào tạo kỹ thuật dẫn tinh và hỗ trợ một phần tiền công phối giống. 

    Những con vật nuôi chủ lực…

    Ngoài hai đối tượng nuôi chủ lực là bò và heo, chú ý đến đối tượng nuôi khác là con dê. Thời gian tới nhu cầu tiêu thụ thịt dê trên thị trường sẽ rất lớn, vì vậy nên đầu tư phát triển mạnh con vật nuôi này tại những vùng cát ở ven biển có nhiều cây bụi rậm, trung du, miền núi có điều kiện khí hậu phù hợp.

    Về vấn đề chăn nuôi gia cầm, nên phát triển mạnh các giống gà chuyên thịt và chuyên trứng bằng phương thức nuôi công nghiệp trong các khu vực đã được quy hoạch và quản lý dịch bệnh chặt chẽ. Tiếp tục chọn lọc và nhân thuần các giống gà thả vườn bản địa, nuôi theo hộ gia đình nhưng phải đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm soát dịch bệnh. Để mô hình gà vườn đem lại giá trị kinh tế cao, cần liên minh lại với nhau, theo đó sẽ có một số Doanh nghiệp đứng ra để đáp ứng dịch vụ từ nguồn giống và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Sản phẩm có rõ nguồn gốc, giết mổ chế biến đảm bảo VSATTP thì lợi nhuận sẽ cao hơn. Đồng thời phải có chiến lược phòng chống dịch cúm gia cầm, tập trung nghiên cứu sản xuất vacxin trong nước để người chăn nuôi tự mua và tiêm phòng như các bệnh thông thường khác. Nếu công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm vẫn cứ bị xem nhẹ như thời gian qua thì chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những tổn thất nặng nề khi dịch bệnh xuất hiện và gây thiệt hại rất lớn.

    Vấn đề mấu chốt nữa là phải quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý, tạo nguyên liệu tại chổ để phối trộn thức ăn chăn nuôi. Qua trao đổi nhiều ý kiến cho rằng, để các cơ sở chăn nuôi tồn tại và phát triển ổn định ngoài việc điều tiết giá thành thức ăn chăn nuôi làm sao cho hợp lý, vấn đề cốt lõi với ngành chăn nuôi lúc này là quỹ đất với vốn, nên dành quỹ đất cho chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất chăn nuôi công nghệ cao cần được vay quỹ ngân hàng phát triển hoặc Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất vay tín dụng, hình thành quỹ bảo hiểm chăn nuôi, người chăn nuôi phải được tiếp cận với nguồn vốn nhiều hơn nữa. Chăn nuôi là ngành có rủi ro cao nên mọi cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi phải được thực hiện trực tiếp tới người chăn nuôi vì một cơ sở chăn nuôi tập trung có thể đạt quy mô bằng cả Xã chăn nuôi nhỏ lẻ.

    Do đó, tỉnh cần có quy hoạch vùng nguyên liệu, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thậm chí có thể đưa vào hạng mục ưu tiên đầu tư, bảo đảm một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, DN nước ngoài tham gia sản xuất, chăn nuôi công nghiệp, hàng hoá; tạo điều kiện tối ưu nhất để thu hút đầu tư cho chăn nuôi. Bởi DN nước ngoài có lợi thế hơn hẳn về tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất và đặc biệt là tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm; khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chủ động phòng dịch bảo vệ vật nuôi, rồi đến chế biến, giết mổ... và trước khi quyết định nuôi con gì thì ngay từ đầu bắt buộc họ phải tính đầu ra của sản phẩm.      

    Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp thì việc mở rộng chăn nuôi tập trung được cho là hướng đi đúng và phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy vậy, để chăn nuôi tập trung phát triển bền vững, ngoài những yếu tố “kích cầu” – hỗ trợ được cho là động lực thì các địa phương phải tính toán kỹ địa điểm xây dựng cho phù hợp với quy hoạch chung nông thôn mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến yếu tố về môi trường, khả năng kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, hệ thống thủy lợi tưới tiêu nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường./.


                                                                                    Trần Văn Tâm

    Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y

Các tin khác
Hoạt động xét nghiệm bệnh Thủy sản ở Trạm xá Thú y
Quan tâm chọn vắc xin phù hợp chủng và bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng
Bệnh do vi khuẩn E. coli ở vịt
Hướng dẫn sử dụng vắc xin Rabisin phòng bệnh dại ở chó, mèo
“BƠM TIÊM NỐI DÀI”- DỤNG CỤ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH GIA SÚC